Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam (VFRA) mới đây đã thử nghiệm khả năng dập tắt các đám cháy pin lithium-ion bằng một số loại bình chữa cháy xách tay. Đây là loại pin phổ biến trong các trang thiết bị sử dụng hàng ngày như điện thoại,ậpđámcháytừpinxeđiệntrongphútỷ lệ cá cuộc máy tính, xe điện.
Buổi thử nghiệm được thực hiện với sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) với sản phẩm lựa chọn là pin lithium-ion trong xe máy điện, xe đạp điện.
Sau khi kích cháy hệ thống pin trên 3 chiếc xe, các chuyên gia đã thử dùng nhiều cách để dập tắt đám cháy. Ba chiếc xe lần lượt được chữa cháy bằng bình gốc nước Eco Fire 6, F500 EA và Orion OR-6. Kết quả đều dập tắt được đám cháy. Trong đó, bình F500 EA dập tắt cháy trong 2 phút; bình Orion OR-6 và Eco Fire 6 dập trong 4 phút.
Ông Bùi Xuân Thái, đại diện Hiệp hội, cho biết tình huống thử nghiệm là đám cháy bùng phát trên khối pin, lan ra toàn xe, các viên pin phát nổ, bắn văng ra ngoài. "Trước, trong và sau cháy đều được đo nhiệt độ. Các viên pin bắn ra xung quanh cũng được đo và ghi nhận nhiệt độ", ông Thái cho biết.
Ở chiếc xe điện đầu tiên, khi nhiệt độ trên 500 độ C, pin phát nổ, nhân viên kỹ thuật bắt đầu sử dụng bình bột, bình khí C02. Khi phun hết cả hai bình, chiếc xe điện vẫn bùng cháy. Hỏa hoạn chỉ được dập tắt khi sử dụng bình chữa cháy Orion OR-6. Nhiệt độ cũng giảm xuống còn gần 120 độ C.
Đặc biệt, bình chữa cháy nhãn hiệu F500 EA, sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước - công nghệ bọc phân tử dập tắt được đám cháy trong thời gian 2 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin không có hiện tượng nổ, không có khói, nhiệt độ giảm sâu, dưới 60 độ C.
Ở chiếc xe điện còn lại, đơn vị thực nghiệm dập tắt bằng cát và phải đẩy xe đổ xuống sàn. Kết quả cho thấy lửa tắt nhưng không hoàn toàn, khói vẫn nghi ngút và nguy cơ cháy lại cao. Để dập lửa hoàn toàn, người dân có thể phải sử dụng lượng cát lớn để bao phủ toàn bộ đám cháy.
Với những thử nghiệm ngay tại Việt Nam, có thể thấy việc khống chế các đám cháy từ pin lithium-ion không hề "vô phương" như một số lầm tưởng trước đó.
Ngoài các bình cứu hỏa gốc nước, trên thế giới, ngày càng nhiều công nghệ đang được thí nghiệm cho thấy khả năng dập tắt các đám cháy từ pin lithium-ion. Đơn cử như các nhà nghiên cứu tại Tây Ban Nha từng thử nghiệm loại "chăn chống lửa" chuyên dụng cho các đám cháy pin xe điện. Thử nghiệm đã được áp dụng với pin ôtô điện, cho thấy khả năng cách ly cũng như giảm nhiệt độ đám cháy khá hiệu quả. Ngoài ra, rất nhiều công nghệ mới đang được phát triển với giá cả phù hợp để sử dụng dễ dàng cho các đám cháy pin lithium-ion.
Theo các chuyên gia, trong thử nghiệm, đám cháy sẽ chủ động được tạo ra từ việc tác động tới hệ thống pin. Tuy nhiên, trong thực tế, tỉ lệ vụ cháy từ pin lithium-ion là không lớn, đặc biệt là với hệ thống được bảo vệ tốt như xe máy điện, ôtô điện.
Thống kê trên toàn cầu của Công ty EV FireSafe của Australia cho thấy, chỉ có khoảng 0,0012% ôtô điện bốc cháy từ năm 2010 đến năm 2023 trong tổng số xe điện lưu hành. Tỉ lệ này với các xe chạy xăng, dầu là 0,1%, tương đương khả năng hỏa hoạn cao gấp 80 lần so với xe điện.
Pin trên xe điện được bảo vệ an toàn ngay từ lớp vỏ chống cháy, kết hợp cảm biến giúp nhanh chóng cách ly nguồn nhiệt khi có sự cố. Vật liệu sản xuất pin hiện cũng được cải tiến giúp ổn định hơn ở nhiệt độ cao, như việc sử dụng vật liệu silicon cho cực dương của hệ thống pin. Ngoài phần cứng, pin trên xe điện cũng được kiểm soát nhờ hệ thống quản lý pin (BMS) - "bộ não" giúp theo dõi và can thiệp ngay khi mọi chỉ số vượt mức cho phép.
Dù an toàn và có tỉ lệ cháy nhỏ nhưng giới chuyên gia cũng khuyến cáo, người sử dụng xe điện nói riêng cũng như người dùng pin lithium-ion nói chung cần lựa chọn hãng sản xuất uy tín, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, người dùng không nên tự ý thay đổi kết cấu sản phẩm, lắp thêm các phụ kiện không tương thích và thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn cháy nổ.
Quang Anh